Khí ozone sinh ra từ máy in, máy photocopy là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng già hóa tế bào, gây già nhanh ở những người thường xuyên tiếp xúc với các loại máy văn phòng. Một giải pháp táo bạo trong việc hạn chế độc hại từ các loại máy văn phòng nằm ở đề tài nghiên cứu “Khảo sát mức độ ô nhiễm ozone tại một số cơ sở photocopy và biện pháp xử lý” của Lại Thị Thùy Hạnh – sinh viên của Khoa Môi trường – Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM), khá sáng tạo khi tìm ra cây trầu bà – một loại cây thần kỳ.
Trong một lần đi photocopy tài liệu, Hạnh đã hỏi thăm về môi trường làm việc của các nhân viên làm việc ở đây và thật bất ngờ khi kết quả nhận được là ngột ngạt, nóng bức, có người cảm thấy chóng mặt, buồn nôn và rất mệt mỏi. Khá thắc mắc trước vấn đề này, Hạnh đã quyết tâm tìm hiểu và xây dựng thành một đề tại nghiên cứu khoa học.
Là nguồn phát sinh ra nhiều chất độc hại như bụi mực, mùi, tiếng ồn và đặc biệt là ozone, máy photocopy đang đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe của những người trực tiếp làm việc với nó, mức độ máy càng nhiều chức năng thì càng dễ thải độc như máy photocopy màu.
Với quyết tâm tìm hiểu, Thùy Hạnh đã tình cờ đọc được bài về cây trầu bà (cây hoàng tâm điệp) có khả năng hút được độc từ các loại máy photocopy văn phòng.
Sau đó, cô đã thực hiện hàng loạt các thí nghiệm và thu được kết quả là cây trầu bà có khả năng giảm thiểu ô nhiễm khí ozone và được giải thưởng Eureka năm 2010. Một phần giải thưởng được cô dùng để mua cây trầu bà tặng cho các cơ sở photocopy đã hỗ trợ mình nghiên cứu.
Với nghiên cứu đặc biệt đó, cây trầu bà được biết đến với công dụng giảm hiểu ô nhiễm trong môi trường văn phòng và các cơ sở in ấn, góp phần trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.